Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thổ Châu - ông Nguyễn Trọng Hồng cho biết, hiện tại xã Thổ Châu có hơn hai ngàn người, không tính ngư dân vào đảo làm ăn, mua bán, nhưng chỉ có 5 giếng nước khoan, còn các giếng khơi trong dân đều đã cạn. Thổ Châu sẽ thiếu nước sinh hoạt nếu tình trạng nắng nóng kéo dài chỉ khoảng 10 ngày nữa.



Do nhu cầu dùng nước sạch tăng, nhiều người dân tự khoan giếng, dùng nhiều nên mực nước ngầm bắt đầu có dấu hiệu thấp dần, thậm chí đã nhiễm mặn. Vì xã đảo đang trong giai đoạn phát triển, các công trình đang thi công, nhiều khu chế biến thủy hải sản mọc lên.

Trung tá Mai Văn Cảnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thổ Châu chia sẻ, ngoài nhiệm vụ chính trị, Ban chỉ huy đơn vị đã cử một tổ công tác xuống địa bàn, phối hợp với địa phương, đến từng gia đình vận động bà con dùng nước hợp lý. Khuyến khích những gia đình có giếng nước khoan hoặc có giếng nước còn nguồn nước sạch chia lại cho bà con không có nước cùng dùng. Các cơ sở chế biến thủy hải sản, quán ăn… yêu cầu dùng nguồn nước biển, hạn chế tối đa dùng nguồn nước ngọt khi không thật sự cần thiết. Quân y đơn vị cũng xuống các địa bàn trọng yếu, nơi xa trung tâm để thăm khám bệnh cho bà con, hướng dẫn cách tự phòng tránh dịch bệnh mùa khô, đề phòng trẻ em bị viêm đường hô hấp, viêm loét da ở người lớn tuổi vì phải tiếp xúc nhiều với nắng nóng.

Trung tá Mai Văn Cảnh nói :“Mặc dù chúng tôi đã có kế hoạch chặt chẽ từ trước mùa khô để đảm bảo lượng nước ăn uống, sinh hoạt cho đơn vị. Tăng cường lực lượng vận chuyển nước, lấy nước tiếp giúp bà con, vận động mọi người tiết kiệm nước. Nhưng đó mới chỉ là giải pháp tạm thời đối phó với khô hạn. Nếu như khoảng 20 ngày nữa trên địa bàn không có mưa hoặc lượng mưa đầu mùa ít thì lượng nước dự trữ của đơn vị cũng hết, dưới địa bàn dân cư cũng không còn. Hiện tại đơn vị và phía địa phương vẫn chưa có biện pháp nào tốt hơn, tất cả chỉ trông chờ trời mưa”.
Nhiều rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu), rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc (huyện Tân Biên), rừng biên giới huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh... gần đây liên tục xảy ra cháy lớn do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài trong khi các ao, hồ, sông suối dự trữ trong rừng để phòng cháy, chữa cháy đã bắt đầu cạn kiệt.



Chiều ngày 26/4  vừa qua xảy ra cùng lúc tại 5 địa điểm ở khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc (khu vực Trung ương cục miền Nam) xảy ra cháy trên 86 ha rừng, trong đó có 66 ha rừng tự nhiên, 20 ha rừng trồng, mức độ thiệt hại từ 40-50%. Đến chiều 28/4, cơ quan chức năng của tỉnh vẫn tiếp tục huy động lực lượng khoảng 50 người để chữa cháy, dập tắt các tàn dư của đám cháy để ngăn chặn cháy lan.

Ngày 27/4 lại tiếp tục xảy ra 1 vụ cháy tại khu rừng tự nhiên tại xã biên giới Ninh Điền, huyện Châu Thành gây thiệt hại 2,7 ha rừng.

Trước tình hình cháy rừng liên tục xảy ra, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh, phối hợp Chi cục kiểm lâm tỉnh, các huyện có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, gắn thêm pano, áp phích, biển cấm lửa tại khu vực cửa rừng, nhằm nâng nâng cao ý thức người dân bảo vệ rừng; không cho người lạ vào rừng. Các lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn có rừng là bộ đội biên phòng, dân quân xã tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực dễ xảy ra cháy để kịp thời phát hiện, thông tin, xử lý kịp thời khi phát hiện có cháy. Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị giữ rừng rà soát lại phương án phòng cháy chữa cháy rừng, để kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tế; đồng thời trang bị thêm phương tiện chữa cháy, bổ sung nguồn nước dự trữ tại các khu vực xung yếu, để kịp thời phối hợp ngăn chặn kịp thời khi có cháy xảy ra.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 61 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 223,9 ha rừng, trong đó khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng xảy ra 58 vụ, thiệt hại 132,7 ha; khu rừng văn hóa, lịch sử Chàng Riệc 1 vụ, thiệt hại 86 ha rừng, huyện biên giới Châu Thành xảy ra 2 vụ, thiệt hại 5,2 ha rừng.

Ngành chức năng xác định nguyên nhân xảy ra cháy rừng là do người dân vào rừng đốt lửa, bất cẩn gây cháy. Nhiều trường hợp (tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng) kẻ xấu cố tình lén đốt, để sang mùa mưa lấn rừng làm rẫy; trong khi phương tiện phòng cháy, chữa cháy thiếu, nguồn nước dự trữ cạn kiệt, nên công tác chữa cháy kém hiệu quả.
Vào năm 2009 Formosa - tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Đài Loan, là nhà sản xuất sản phẩm hóa dầu hàng đầu thế giới nhận được giải "Hành tinh đen". "Hành tinh đen" là một giải do Ethecon - tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức dành cho những cá nhân/tổ chức "đóng góp" vào việc phá hủy môi trường.


Được biết Formosa đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào dự án Vũng Áng - Hà Tĩnh, và dự án được cả các bên thứ ba quan tâm đầu tư.

Công ty JFE, nhà sản xuất thép lớn thứ hai của Nhật, tuyên bố có thể tham gia đầu tư khoảng 27 tỷ yên (220 triệu Mỹ kim) vào dự án này (Reuter, 30/7/2015).

Đây là dự án quy mô rất lớn ở Việt Nam. Không thể phủ nhận ý nghĩa của dự án này đối với kinh tế VN nhưng để có thông tin đa chiều, bài viết này sẽ tập hợp các thông tin về vi phạm môi trường của Formosa trên phạm vi thế giới.

Không chỉ có nền công nghiệp hóa của Trung Quốc, công nghiệp phát triển đi liền với tàn phá môi trường. Xét rộng hơn thì ở đâu cũng vậy, nhiều tập đoàn tư bản thường sẵn sàng hy sinh môi trường, hy sinh lợi ích của cộng đồng vì lợi nhuận của mình.

Vấn đề là cộng đồng phải có các cơ chế (luật pháp, chính quyền, báo chí, các tổ chức xã hội dân sự…) để ngăn ngừa, giảm thiểu sự tàn phá môi trường do công nghiệp hóa gây ra và tự bảo vệ mình.

Tôi mong muốn bất kỳ nhà đầu tư nào từ nước ngoài đến Việt Nam cũng phải trình bày được những “hồ sơ môi trường” sạch sẽ, bất kể họ đến từ nước nào.

Một tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức - Ethecon, đã lập ra các giải hàng năm “Hành tinh xanh” tặng cho các cá nhân/tổ chức có thành tích vượt trội trong bảo vệ môi trường thế giới. Bên cạnh đó là giải “Hành tinh đen”, cho những cá nhân/tổ chức đóng góp nhiều vào việc phá hủy môi trường thế giới.

Trong danh sách nhận giải “Hành tinh đen” có mặt các nhân vật nổi trội như công ty Monsanta (tác giả của chất độc da cam), Công ty điện lực Tokyo (chủ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị vỡ cách đây mấy năm)…


Formosa và CEO của nó là ngài Lee Chih-Tsuen nhận giải Hành tinh đen năm 2009. Bà Diane, người nhận giải Hành tinh xanh năm 2006, đã bay sang Đài Loan để trao giải tận tay người nhận.

Formosa Plastics Group (FPG), là một tổ hợp công nghiệp đa ngành của Đài Loan (hóa dầu mỏ, chất dẻo, công nghệ sinh học, nhà máy phát điện, máy móc điện tử, quang sợi, công nghiệp ô tô…).

Cùng với các thành tựu rất lớn đóng góp vào công nghiệp hóa Đài Loan, tập đoàn này cũng mang nhiều tai tiếng về vi phạm môi trường tại chính Đài Loan cũng như một số nước khác.

Tại Đài Loan, các nhà khoa học ĐH Quốc Gia Đài Loan đã công bố về ô nhiễm các chất gây ung thư và phá hủy mô gan, do công nghệ cracking dầu mỏ của Formosa tại Yulin.

Trụ sở của Formosa từng bị người biểu tình phản đối vi phạm môi trường (Nhật báo Đài Bắc, 24/2/2014).

Bang Texas và Louisiana Hoa Kỳ, các nhà máy của Formosa bị phát hiện xả các chất độc như 1,2-dichloroethane (EDC), dioxin và chroroform… vào đất và nước ngầm, kể cả xuống sông Mississippi.

Năm 2009, Formosa bị EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa kỳ) “phạt dân sự” số tiền là 2,8 triệu Mỹ kim, đồng thời bị buộc phải bỏ ra 10 triệu Mỹ kim để khắc phục các vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại các bang Texas và Louisiana.

Hồ sơ môi trường của Formosa cộm cán đến nỗi đã trở thành ví dụ minh họa trong bộ sách giáo khoa Luật Môi trường của Barry Hill tại Hoa Kỳ (Environmental Justice, Legal Theory and Practice, Barry Hill, 3rd Edition, 2014).

Tại Campuchia năm 1998, Formosa dính dáng đến một cả một vụ bạo loạn chết người. Năm đó, Formosa “xuất khẩu” sang Campuchia 3000 tấn rác nhiễm thủy ngân, do tàu Chang-Shun vận chuyển vào cảng Sihanoukville.

Rác gồm những khối nén, bọc trong bao nhựa khá dày. Người dân quanh vùng đổ xô đến bãi rác, thấy những tấm nhựa này có thể dùng làm tấm lợp nhà. Họ dùng dao, dùng tay, thậm chí dùng răng cắn bóc các bao nhựa nhiễm độc. Chỉ vài ngày sau, nhiều người bị sốt, tiêu chảy. Một công nhân bến cảng làm việc dọn dẹp hầm tàu Chang-Shun phải nhập viện và chết ngay trong ngày. Khi tin tức lộ ra rằng rác này chứa thủy ngân, người dân trong vùng tức giận đập phá các công sở. Hàng chục ngàn người hoảng sợ rời bỏ thành phố trong đó khoảng 10000 người định tiến về Phnom Penh. Cuộc bạo loạn này đã làm chết thêm 5 người nữa.


Trong vụ này, Việt Nam đã cấp tốc viện trợ cho Campuchia 500 bộ quần áo và mặt nạ phòng độc để giúp tẩy độc. Formosa sau đó bị buộc phải nhận lại toàn bộ số rác nhiễm độc thủy ngân này.

Đáng chú ý, Formosa là nhà sản xuất nhựa PVC lớn nhất thế giới. Do sử dụng thủy ngân trong quá trình sản xuất ra chất xút để dùng cho sản xuất PVC, họ có thể đã tích lũy lại hàng ngàn tấn rác độc mà không nơi nào nhận chứa chấp.


Trong các vụ scandal môi trường ở nước ngoài, lãnh đạo Formosa đã tìm cách che giấu hoặc giảm nhẹ các tai họa do họ gây ra cho dân địa phương, thậm chí mua chuộc các nhà chức trách địa phương.


Tại Mỹ, trong vụ kiện ở tiểu bang Louisiana, nhóm luật sư thay mặt cư dân khu vực bị thiệt hại vạch rõ Formosa không những đã không cảnh báo người dân về tác hại của các chất thải với môi trường và sức khỏe. Mà họ còn dấu nhẹm rằng trước đó họ đã bị phạt nhiều triệu Mỹ kim vì các vụ vi phạm bên bang Texas.


Ở vụ Sihanoukville ở Campuchia, người phát ngôn Formosa nói rằng rác gửi theo tàu Chang-Shun chỉ nhiễm thủy ngân “hơi vượt mức quy định một chút” (0,2 PPM). Nhưng khi Campuchia gửi mẫu đi xét nghiệm tại nước ngoài, tất cả cả mẫu đều cho kết quả nhiễm thủy ngân ở mức nguy hiểm.


Kết quả xét nghiệm tại Hong Kong cho thấy chỉ số này là 10971 PPM! Chính phủ Campuchia cũng tố cáo Formosa đã đút lót số tiền tổng cộng là 3 triệu Mỹ kim cho các quan chức địa phương, và có khoảng 30 vị đã bị chính phủ treo giò trong vụ này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh liên quan đến việc các chết trên vùng biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân trước các thông tin về nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt chưa được cơ quan có thẩm quyền xác minh, công bố; áp dụng các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển.



Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và các cơ quan khác có liên quan xác định các nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên.

Để giảm thiểu thiệt hại, ngăn ngừa tác động xấu đến sức khỏe, sinh kế của người dân, cộng đồng dân cư ven biển và môi trường sinh thái trong thời gian xác định nguyên nhân tình trạng cá chết hàng loạt và các giải pháp khắc phục hậu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tiếp tục thực hiện một số biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết hiện tượng cá chết hàng loạt đã được nêu tại Công văn số 1411/BTNMT-TCMT ngày 21/4/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân trước các thông tin về nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt chưa được cơ quan có thẩm quyền xác minh, công bố; chỉ đạo tiến hành khẩn trương công tác làm sạch môi trường ở các khu vực bị ô nhiễm do cá chết, áp dụng các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển.

Trong thời gian nắng nóng sắp tới có khả năng nhiệt độ nước biển gần bờ tăng cao, làm gia tăng tốc độ phân hủy chất hữu cơ có nguồn gốc từ nước thải, rác thải, có thể gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm bùng phát tảo độc, lan truyền dịch bệnh và các chất độc hại. Bên cạnh đó, hiện tượng gia tăng phân tầng mật độ nước biển do nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến làm giảm lượng ô xy trong các lớp nước sâu là một trong những nguyên nhân có thể tiếp tục gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Để phòng tránh các hiện tượng nêu trên, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại bờ biển; ngăn chặn mọi hình thức đổ rác thải tại các khu vực ven biển, ven sông; tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất ở vùng đất ven biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển kịp thời thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan nhà nước khác có liên quan khi phát hiện các hiện tượng bất thường về môi trường, sinh thái biển để kịp thời có giải pháp xử lý
Nước sông Ba đoạn qua huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai bỗng chuyển màu xanh lá đậm đặc và có mùi hôi nồng nặc trong những ngày gần đây làm ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân sống quanh khu vực trên.
Ở đoạn sông dài khoảng 4km nguồn nước có màu như màu sơn và thuốc nhuộm hoặc như nước rau má xay. Người dân sống 2 bên sông cho biết, nguồn nước bắt đầu có biểu hiện chuyển màu từ đầu tháng 4, đến mấy ngày gần đây thì tình trạng càng nặng hơn. Khi có gió thổi thành gợn sóng, những màu xanh được tạo thành bọt như xà bông bám vào bờ. Có hiện tượng cá trong đoạn bị chết.


Nước sông Ba chuyển màu xanh


Anh Ksor Lươm ở buôn Sai, xã Chư Ngọc, sống gần khu vực Sông Ba nói: “Chưa bao giờ dòng nước sông Ba bị như thế này, thấy nước xanh màu lạ quá, không ai dám đi thả lưới nữa vì sợ lỡ bắt được cá dính màu xanh này ăn vào bệnh”.

Đáng chú ý hơn, cách lòng sông chỉ chừng gần 1m, nhiều người dân vẫn đào hố để lấy nước về sử dụng.  Người dân ở đây cho rằng, do thấm qua cát nên nước đã sạch và họ vẫn xử dụng nguồn nước này như nước sạch.

Phó Chủ tịch UBND xã Chư Ngọc - ông Hà Văn Vinh cho biết: “Ngay sau khi nghe người dân phản ánh, UBND xã xuống ghi nhận tình hình đồng thời báo cáo lên huyện cho huyện xuống lấy mẫu nước kiểm định lại vấn đề chất lượng nước sông để đảm bảo cho bà con sử dụng trong sinh hoạt và cho gia súc chăn thả uống”.

Về phía phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, ông Nguyễn Trí Quang – Trưởng phòng cho biết đã lấy mẫu gửi Sở Tài nguyên môi trường và đang chờ kết quả để xác định có ô nhiễm hay không, nếu có sẽ có hướng xử lý kịp thời. Ông Quang nói: “Các năm trước cũng đã từng xảy ra tình trạng tương tự nhưng chỉ ở mức độ nhỏ và loãng. Năm nay nước mới bất ngờ ngả màu xanh đậm đặc như vậy”.

Đoạn sông Ba nơi nước bị ngã màu nằm ở phía cuối cùng của tỉnh Gia Lai về phía Đông Nam, khu vực phía thượng nguồn dòng sông này có hàng chục nhà máy cùng có nguồn nước thải chảy ra sông.

Một vụ sụp lở đất nghiêm trọng xảy ra vào sáng ngày 15/4  ở ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.



Tuyến đường giao thông huyết mạch về Trung tâm hai xã Khánh Bình và Khánh Bình Đông thuộc huyện Trần Văn Thời bị hư hỏng nặng nhiều chỗ bị sụp lở có chiều dài khoảng 25m, bề ngang 8m và độ sâu lên đến 3m.

Do vụ sụp lở xảy ra vào ban đêm, rất may không có gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Chính quyền xã Khánh Bình đã nhanh chóng tiến hành cắm biển cảnh báo, huy động gần 30 người gồm lực lượng dân quân thường trực, dân phòng kết hợp cùng nhân dân địa phương tham gia làm hàng rào chắn và mở đường phụ để đảm bảo cho người dân và phương tiện đi lại an toàn sau khi xảy ra sự cố sụp lở đất.

Trên tuyến đường giao thông này, hiện tại đang xuất hiện vết nứt dài hơn 1,5km, nguy cơ xảy ra sụp đất bất cứ lúc nào. Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, ông Bùi Văn Thiểu cho biết: Đảng ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chú ý quan sát kỹ khi lưu thông trên tuyến đường liên xã. Mặt khác kết hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát, xác định nguyên nhân sụp lở đất để sớm có biện pháp khắc phục, nhằm đảm bảo cho người dân lưu thông an toàn, thuận lợi.
Có chiều dài khoảng 10 km, chạy từ xã Như Trác, huyện Lý Nhân đến xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Như Trác (còn gọi là kênh Tràng An) có nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ tưới tiêu tại khu vực này. Trong nhiều năm qua Kênh Như Trác đã bị ô nhiễm nặng bởi lượng rác thải do một bộ phận người dân ý thức kém gây ra.



Dọc đường ĐT491 đoạn chạy song song với kênh Như Trác dài chừng 3 km, thuộc địa phận xóm 4, xã Tràng An –  con kênh gần như là nơi chứa rác cho 30 hộ dân sống ven con kênh này.  Lượng rác lớn với đủ loại tạp chất gây ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi thối bốc lên khiến những người đi qua đoạn đường này rất khó chịu.

Rác chủ yếu do người dân ở đầu phía trên con kênh đổ ra, một số người dân tại khu chợ Sông, xã Tràng An, huyện Bình Lục cho biết kênh này bị ô nhiễm đã vài năm nay, chính quyền địa phương đã cho nạo vét một lần nhưng chỉ ít ngày đâu lại vào đấy. Mặc dù đã có lưới chặn rác phía đầu nguồn đổ về nhưng thứ nước đen ngòm ô nhiễm vẫn chảy qua bốc mùi lên hàng ngày khiến những dân phía cuối kênh Như Trác vẫn phải chịu hậu quả. Cùng với đó, kênh Như Trác còn phải gánh một lượng rác thải không nhỏ của 2 chợ, trong đó có một chợ cóc, họp trái phép lâu năm ở khu Dốc Mỹ. Tiện tay, tiện đường, nhiều người đi qua trong đó có tiểu thương ném thẳng những túi bì chứa đầy rác thải, xác súc vật chết xuống kênh...Đặc biệt mùa khô hanh những hộ dân sống gần khu vực cuối nguồn kênh Như Trác ở xã Tràng An càng thêm khốn khổ vì ô nhiễm.

Phó Chủ tịch UBND xã Tràng An, huyện Bình Lục, Hà Nam ông Phạm Văn Lộc thừa nhận: Ô nhiễm môi trường tại kênh Tràng An là vấn đề gây nhức nhối cho địa phương nhiều năm qua. Tháng 9/2015, địa phương đã tiến hành nạo vét gần 500m kênh ô nhiễm nặng nhất chạy qua địa bàn, kết quả đã vét lên hơn 10 tấn rác. Thế nhưng, hiện nay kênh Như Trác lại đầy rác. Xã đã báo cáo lên cấp trên đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng này.


Theo ông Lộc, nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm kênh Như Tráclà do ý thức của người dân chưa cao, vẫn còn hành vi xả rác bừa bãi xuống kênh của những người dân sống dọc kênh Như Trác chảy qua, đặc biệt phía đầu nguồn kênh. Trong khi chế tài xử lý của các địa phương cấp xã không có, chỉ đẩy mạnh việc vận động tuyên truyền là chính nên không đủ sức răn đe đối với hành vi trên.